Gỗ cao su đã trở thành một trong những nguồn cung nguyên liệu quan trọng đối với ngành chế biến gỗ của Việt Nam, đặc biệt là trong xuất khẩu, nhưng cùng lúc đó, ngành cao su cũng phải đối diện với những cáo buộc vi phạm về sản phẩm bền vững và hợp pháp.
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Forest Trends nhận định, với khoảng 264.000 hộ tham gia chuỗi cung gỗ, trong tương lai số lượng gỗ cao su từ các hộ này sẽ tăng. Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc gỗ từ nguồn này vô cùng phức tạp, vì hầu hết các giao dịch giữa thương lái, xưởng xẻ với các hộ dân là thỏa thuận miệng hoặc viết tay; rất ít giao dịch có xác nhận của các cơ quan quản lý nhà nước. Hơn nữa, hiện chưa có tổ chức nào đại diện cho số hộ gia đình này, nên dẫn đến thiếu thông tin về sản phẩm hợp pháp, đồng thời các doanh nghiệp cũng không được trang bị các biện pháp phòng vệ khi bị can thiệp thương mại; hoặc khi bị cáo buộc là sản phẩm có nguồn gốc bất hợp pháp. Chia sẻ lo lắng này, ông Hoàng Ích Tuân – GĐ thu mua Công ty TP TEKCOM cho biết, Công ty TEKCOM sử dụng trung bình trên 140.000 -150.000 m3 /năm trong đó trên 65% là gỗ cao su dạng xẻ và ván bóc, còn lại là các loại gỗ khác cho hoạt động chế biến gỗ. Đối với mặt hàng gỗ cao su trong nước, giá công ty thu mua thường cao và nguồn mua, lượng mua không ổn định, cũng như chứa đựng khá nhiều rủi ro. Đó là lí do khiến công ty không dám ký hợp đồng dài hạn với các đối tác nước ngoài, khi không đảm bảo được nguồn gốc hợp pháp của gỗ nguyên liệu cao su. Ông cũng đặt câu hỏi, tại sao Trung Quốc có chính sách khuyến khích thu mua gỗ cao su? Chính phủ Trung Quốc từ đầu năm 2016, họ đóng cửa rừng và họ có chính sách khuyến khích tất cả các cơ quan chính phủ của Trung Quốc khi sửa chữa lại, nếu sử dụng nguồn gỗ là gỗ cao su thì được ưu tiên tham gia vào việc sửa chữa đó, và đề nghị các cơ quan quản lý Việt Nam có những giải pháp tương tự để ngành cao su được phát triển. Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Thanh – Tổng giám đốc Công ty Hiệp Long nêu ra một vấn đề khác, thông qua các số liệu thống kê, chúng ta phát hiện ra trong năm tới gỗ cao su sẽ thiếu hụt khoảng 3 triệu m3 , do cao su đại điền và cao su tiểu điền giảm thanh lý, vì vậy nguồn này sẽ phải được thay thế và bù đáp bằng nguồn khác.
Trong khoảng vài năm nữa khi Việt Nam xuất khẩu gỗ vào thị trường EU, chúng ta phải có giấy phép FLEGT, nhưng hiện tại ở trong nước, đa số các doanh nghiệp trồng gỗ cao su hoặc các hộ gia đình trồng gỗ cao su đều không có giấy phép này, hoặc những chứng chỉ quốc tế phù hợp. Đó cũng là một trở ngại mà các doanh nghiệp nói riêng và ngành cao su nói chung phải sớm khắc phục được.
Như vậy, có thể thấy việc tuân thủ các quy định của VPA/FLEGT là điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tồn tại và phát triển. Để gỗ đạt chứng chỉ bền vững đòi hỏi ngành cao su cần có chiến lược cụ thể thực hiện, và nó bắt đầu từ khâu thu thập và minh bạch thông tin. Các thông tin bao gồm tình trạng sử dụng đất đai, sử dụng lao động, tuân thủ các quy định về môi trường, pháp luật về thuế, phí… Ngoài ra, việc tuân thủ các yêu cầu của VPA/FLEGT đòi hỏi hộ gia đình tham gia chuỗi cần phải có những thay đổi quan trọng trong việc tổ chức sản xuất kinh doanh của mình. Để làm được điều này, việc đầu tiên và quan trọng nhất là cập nhật thông tin, trang bị kiến thức, tập huấn kỹ năng về những vấn đề liên quan đến thực hiện VPA/FLEGT.
(Sưu tầm)
Comments